Thứ sáu - 31/05/2019 19:00

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ gian lận thi cử

 
Nhắc tới vụ gian lận thi cử, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: Với trách nhiệm cá nhân là Bộ trưởng, phụ trách ngành, tôi xin nhận trách nhiệm, thiếu sót ở một số công việc.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ gian lận thi cử

 

XEM CLIP:

Tại phiên thảo luận về KT-XH sáng nay, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 thì đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ quan trọng để thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Việc này khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề là đại học, cao đẳng và tốt nghiệp.

Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng đề án với lộ trình đổi mới thi, hướng tới một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và cũng là căn cứ để xét tuyển đại học và cao đẳng.

Bộ đã thực hiện lộ trình này, triển khai kỳ thi, giảm được áp lực và từng bước khắc phục tình trạng không minh bạch, hướng tới 1 kỳ thi trung thực.

Xử nghiêm cán bộ, phụ huynh gian lận 

Theo Bộ trưởng, năm 2018 xảy ra gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khâu chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ gian lận thi cử
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Minh Đạt

“Rà soát lại toàn bộ quy trình thi, về nguyên nhân, về phía Bộ GD-ĐT và với trách nhiệm cá nhân là Bộ trưởng, phụ trách ngành, tôi xin nhận trách nhiệm, thiếu sót ở một số công việc”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Những thiếu sót được ông chỉ ra là: Phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Công tác quán triệt quy chế thi và các hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi.

Công tác thanh, kiểm tra chưa thực sự sâu sát trong một số khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương.

Về phía địa phương, ban chỉ đạo thi cũng như hội đồng thi địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Công tác chọn cán bộ tham gia thi cũng chưa đạt đầy đủ yêu cầu, dẫn đến việc chủ động thông đồng, kết nối với nhau thực hiện gian lận.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc gian lận, Bộ đã cử đoàn thanh tra, kiểm tra và có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra, xác minh. Bước đầu có kết quả, các em được nâng điểm đã chấm đưa về điểm thật. Các em không đủ điểm thi vào đại học đã bị trả về địa phương.

“Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn ngành qua hội nghị trực tuyến. Bộ Công an đã rất tích cực khởi tố bị can vụ án, và đang tiếp tục khởi tố các bị can và đối tượng liên quan”, ông Nhạ thông tin.

Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình, cần cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm.

Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD-ĐT đề ra một số giải pháp.

Cụ thể là tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi… Công an các địa phương được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.

Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi…

Có một bộ phận giáo viên sa sút

Về vấn đề bạo lực học đường và vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bản thân ông cũng đang rất bức xúc và tiếp tục chỉ đạo.

Hiện có khoảng 1,5 triệu giáo viên và các cán bộ quản lý, phần lớn họ rất tâm huyết say mê với nghề nghiệp, nhiều tấm gương tốt, tuy nhiên trong đó có một bộ phận sa sút.

“Khi xảy ra các vi phạm thì chúng tôi cũng kiên quyết để xử lý và đề nghị các địa phương đưa ra khỏi ngành những giáo viên sa sút, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp trao đổi tuyên truyền, xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các giáo viên kỹ năng sư phạm để khắc phục nhược điểm này…”, ông Nhạ cho hay.

Cần gọi, công nhận số thí sinh mất cơ hội

Sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) giơ biển tranh luận.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ gian lận thi cử
ĐB Nguyễn Mai Bộ

Ông cho rằng, Bộ trưởng chưa đề cập đến giải pháp giải quyết quyền lợi của các thí sinh bị tuột mất cơ hội trúng tuyển các trường ĐH.

Do đó, ông đề nghị Bộ trưởng và các trường ĐH đã loại các thí sinh gian lận phải có giải pháp gọi, công nhận, bù lại số các thí sinh mất cơ hội nhằm đảm bảo sự công bằng "cho các thí sinh học thật nhưng bị mất cơ hội".

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT xem xét đánh giá tác động việc gom thi 2 chung và đề nghị giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để tổ chức thi cử và sản phẩm đầu vào, đầu ra của đại học.

VIETNAMNET

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây