Thứ hai - 27/05/2019 08:25

'Cán bộ không còn lòng tin của dân thì nên từ chức'

 
Cán bộ, công chức phải có được lòng tin của dân, coi lòng tin của công chúng là thước đo đạo đức. Khi không còn lòng tin của dân thì nên từ chức.
'Cán bộ không còn lòng tin của dân thì nên từ chức'

 

Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Lần đầu tiên, Bác dùng từ công bộc của dân để chỉ cán bộ, công chức Nhà nước với một tư tưởng hoàn toàn mới và tư tưởng này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang nỗ lực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh thì với mỗi cán bộ đảng viên, hơn ai hết càng phải thấm thía rõ nhất về công bộc của dân để tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, cùng ra sức phấn đấu để xây dựng đất nước.

Phóng viên phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Theo ông, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cán bộ phải là công bộc của dân hiện nay còn nguyên giá trị như thế nào?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một thực trạng là tinh thần phục vụ dân của đội ngũ cán bộ công chức đang có vấn đề.

Nếu thời phong kiến, đội ngũ quan chức phụng sự Vua, nhưng trong một nền dân chủ thì quyền lực không phải là của Vua mà quyền lực là của dân. Do đó, tất cả những công chức đó biến thành công bộc của dân.

Quyền lực là của dân thì phải phục vụ dân, đó là tính chất của thời đại, tính chất của thể chế đã thay đổi. Nhưng thực chất, khi quyền lực đã trao vào tay anh thì anh thấy có quyền, quên mất chủ thể của quyền lực là người dân.

Lời dạy của Bác vẫn còn đó, nhưng việc coi mình là công bộc chỉ là một phần của đạo đức công vụ. Bây giờ ta phấn đấu để có được phần đầu tiên chính là coi lợi ích công là cao nhất. “Công” ở đây có nghĩa là toàn bộ nhân dân, tạo thành công chúng và lợi ích công chúng phải là số một. Đó là ý nghĩa đầu tiên gắn với ý tưởng công bộc của Bác Hồ đã đưa ra.

Lợi ích công đặt lên hàng đầu nghĩa là gì? Ví dụ như trong hoạt động đấu thầu, chấm thầu mà vợ con cán bộ cũng tham gia đấu thầu thì có hai cách: một là vợ con cán bộ không được tham gia, hai là cán bộ đó phải rút ra khỏi quá trình chấm thầu và tuyển chọn thầu.

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức phải có được lòng tin của dân, coi lòng tin của công chúng là thước đo đạo đức. Khi không còn lòng tin của dân thì nên từ chức. Đó là nền tảng của đạo đức để có thể vận hành nền công vụ.

Bên cạnh thực trạng về công tác cán bộ, với tinh thần hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, cũng có rất nhiều cán bộ sẵn sàng hy sinh những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích chung.

PV: Thưa ông, bên cạnh những tấm gương công bộc hết lòng vì dân thì đáng tiếc là vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngại gian khổ, khó khăn, thậm chí là sa vào tham ô, lãng phí và xa hoa. Trong thời gian qua, Đảng ta đã có những biện pháp rất mạnh để chấn chỉnh và xử lý những cán bộ chưa thực sự vì dân. Theo ông, những giải pháp đã và đang triển khai để nâng cao chất lượng đối với cán bộ đã thực sự loại trừ được những tiêu cực?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Những giải pháp đó là cần thiết, đưa lại một số hiệu quả nhất định, nhưng tôi nghĩ rằng hiện tại có một số vấn đề nếu chúng ta quan tâm thì thiết kế giải pháp sẽ tốt hơn.

Ví dụ, nếu nói cán bộ chung chung thì thấy rất khó, vì cán bộ là một khái niệm rất chung, ở tầm cao nhất có các chính khách, người có quyền ban hành quyết định, chính sách pháp luật, chủ trương đường lối. Tiêu chuẩn xác lập đối với những người đó phải khác.

Còn những người phía dưới, cấp hành chính công vụ thì các chính sách phải đúng thì mới thực thi được; nếu chính sách sai thì người thực thi cũng không có cách gì để làm cho đúng.

Càng thực thi tốt thì hiệu quả càng cao. Cho nên ta nói cán bộ chung chung như vậy là khó, cần áp đặt cho chính khách, cho đội ngũ hành chính công vụ phải khác. Rõ ràng chế độ tín nhiệm là quan trọng nhất.

Tín nhiệm của Quốc hội và HĐND là phải làm thật, làm thiết thực hơn, nhưng quan trọng hơn là tín nhiệm của dân. Những người không được tín nhiệm của dân thì không thể làm chính khách được.

Cấp dưới, cán bộ hành chính công vụ phải giỏi chuyên môn, phải thi tuyển để chọn được những người thực sự tài giỏi. Bởi vì chính sách đã ban hành, phải có đủ năng lực, giỏi chuyên môn để triển khai cho tốt, không phải cứ nói Nghị quyết suông là được.

Như vậy, với hệ thống đó, chúng ta sẽ tuyển chọn được người đúng và loại ra ngoài những người không đúng.

Đồng thời phải xây dựng một hệ thống pháp luật áp đặt chế độ trách nhiệm lên thực tế. Ví dụ ở cấp chính trị, tín nhiệm của dân thấp, nếu không có tín nhiệm thì cán bộ nên từ chức. Còn ở cấp dưới thì phải kỷ luật nghiêm, cán bộ được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành thì cho nghỉ, phải kỉ luật “sắt”, đó là áp đặt về pháp luật.

Hệ thống khuyến khích phải được thiết kế để thay đổi, trong các khuyến khích đó có khuyến khích về tinh thần. Bên cạnh đó, cũng phải có khuyến khích về vật chất, bỏ những người “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” đi, lấy tiền đó để trả lương cho những công bộc tận tụy. 

PV: Ông có suy nghĩ thế nào về tự tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc nỗ lực làm theo Bác để thực sự trở thành công bộc của dân?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Việc này rất quan trọng, đó là một mặt trong việc phấn đấu. Bởi vì, thực chất biểu hiện ra bên ngoài có thể đánh giá thế này thế kia. Nhưng đánh giá ra bên ngoài không phản ánh thực chất bên trong, cái thực chất bên trong là từng người biết về mình nhiều nhất. Nếu mình không tự sửa thì chỉ là đối phó bên ngoài, nếu muốn tốt đẹp hơn thì mình phải tu dưỡng thường xuyên.

Tự rèn luyện, tự tu dưỡng là quan trọng, một nửa vấn đề liên quan đến đạo đức, một nửa vấn đề liên quan đến trình độ chuyên môn. Ví dụ khi một lá đơn của người dân được gửi đến, cán bộ nhìn không biết xử lý thế nào, quy định của pháp luật ra sao. Rõ ràng cán bộ cần phải tự rèn luyện cả về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện cả về đạo đức.

PV: Xin cảm ơn ông./. 

Đàm Hoa - Đình Hiếu

vov.vn

 
 Từ khóa: cán bộ  khi không  lòng tin  công chúng  đạo đức  

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây