Thứ sáu - 31/05/2019 15:06

Không người lao động bình thường nào đồng ý tăng tuổi hưu

 
Đó là nhấn mạnh của đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy. Ảnh: Phong Minh
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy. Ảnh: Phong Minh


Chiều ngày 29/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi).

Phát biểu về dự án Luật, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nói: “ Quan điểm của cá nhân tôi là không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Xét ở góc độ lấy ý kiến cơ bản người lao động bình thường thì không có người lao động nào muốn tăng tuổi nghỉ hưu".

Đại biểu Thúy cho rằng, những giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì soạn thảo) rằng tăng tuổi nghỉ hưu để chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số, chuẩn bị lực lượng lao động, yêu cầu cân đối quỹ bảo hiểm xã hội…là chưa thuyết phục.

Một số chứng minh mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra về một số quốc gia có tình trạng dân số tương tự, lực lượng lao động như Việt Nam.. cũng chưa đủ thuyết phục.

Hiện nay, lực lượng lao động của Việt Nam, như ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nhóm lao động kỹ thuật thấp với hầu hết là công nhân trực tiếp tham gia giai đoạn gia công các sản phẩm, bán thành phẩm, lao động chân tay rất nhiều, chiếm tỷ lệ 70%.

Đó là chưa tính các lực lượng lao động khác hiện chưa tham gia bảo hiểm xã hội và không nằm trong tác động của luật.

“Người lao động sẵn sàng nghỉ để bảo đảm sức khỏe chứ không thể đeo đuổi đến tận 60 tuổi để nghỉ hưu theo luật được.

Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên gặp gỡ người lao động thì nhận thấy bệnh nghề nghiệp mà người lao động đang gặp phải là một vấn đề lớn mà Bộ luật Lao động phải nhìn thấy để có tính toán.

Những tai nạn lao động, bềnh nghề nghiệp mà tỷ lệ thương tật của người lao động khá cao, như bệnh xương sống, phổi... Đó là những vấn đề chúng ta phải suy nghĩ”, đại biểu cho biết.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp thường có xu hướng sa thải người lao động tầm 40-45 tuổi để chọn lao động trẻ hơn thay thế. Nếu bây giờ tăng tuổi nghỉ hưu lên thì lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ không thể nào giữ được việc.

Ở góc độ người lao động mà các tổ chức công đoàn đang hướng tới, cá nhân người lao động trong nhóm độ tuổi lao động ở lĩnh vực lao động chân tay nhiều, sức khỏe ở nhóm đối tượng này khó có thể đảm đương và kham nổi nếu kéo dài đến tuổi 60 và 62 bởi rất nhiều lý do.

Sức khỏe không đảm bảo vì trong quá trình lao động người ta ngoài làm giờ chính thức 48h, họ phải làm thêm rất nhiều giờ để đủ đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình. Họ không có thời gian để tái tạo sức lao động, để kéo dài thêm tuổi lao động.

“Chúng tôi gặp gỡ trực tiếp người lao động là giáo viên. Các anh chị giáo viên họ cũng không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Ở độ tuổi ý, họ không thể tiếp tục lao động, làm việc với các cháu nhỏ ở lứa tuổi họ đã làm bà, làm ông ở gia đình”, đại biểu cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo đề xuất của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – đoàn Ninh Thuận nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo đề xuất, cần xem xét lại việc tăng tuổi.

Vì nhiều đối tượng lao động trực tiếp, kể cả lực lượng lao động ngành y tế, giáo dục phản đối tăng tuổi nghỉ hưu".

Nhiều nhà giáo xin nghỉ hưu trước tuổi
“Mặc dù có nhiều giải thích như tuổi thọ tăng lên, nhưng thực tế, người dân mình thì tuổi thọ có tăng nhưng sức khoẻ yếu, nên không so sánh được.

Nước ngoài trên 70 tuổi vẫn lái xe ầm ầm nhưng mình thì bệnh tật nhiều.

Tuổi thọ cao không đồng nghĩa với sức khoẻ cao, nên phải cân nhắc lại”, đại biểu Cương nói.

Đại biểu Cương cũng dẫn chứng thêm, ví dụ hỏi giáo viên mầm non ở nông thôn, họ nói "trẻ con giờ thích mấy cô giáo trẻ vừa xinh, hát hay, múa giỏi. Mấy bà giáo già không làm gì được".

Trong khi đó, giáo viên ở nông thôn, ngoài giờ dạy vẫn còn phải làm công việc đồng áng của gia đình rất vất vả nên chỉ chờ được nghỉ hưu theo quy định hiện hành.

Đỗ Thơm

giaoduc.net.vn

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây