Thứ năm - 30/05/2019 14:37

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Quốc hội về giá tiêu dùng

 
​​​​​​​Chiều 30-5, đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế- xã hội. Dự kiến phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ phát biểu về kiểm soát giá tiêu dùng, giá điện.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Quốc hội về giá tiêu dùng - Ảnh 1.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Quốc hội về giá tiêu dùng - Ảnh 1.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng có thể được mời nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra hết buổi sáng ngày mai 31-5.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đề cập cơ chế tự chủ tại khối bệnh viện công. Theo đại biểu, thời gian qua Bộ Y tế đã hành động rất mạnh mẽ để giảm dần bao cấp theo cơ chế nhà nước, các địa phương cũng giao quyền tự chủ để chuyển dịch mạnh mẽ tại các bệnh viện công. Tuy nhiên có nhiều bất cập từ quá trình thực hiện.

Đó là sự vướng víu, thiếu đồng bộ trong các văn bản từ Trung ương dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu. Nhiều bệnh viện đến nay được cho tự chủ về tài chính nhưng không cho tự chủ nhân lực, bộ máy.

Vấn đề khác là tình trạng khan hiếm bác sĩ trầm trọng bởi thu nhập quá thấp, chế độ không theo kịp với tình hình chung tại khối bệnh viện tư. Giá dịch vụ y tế hiện cũng chưa được tính đúng, tính đủ.

Bà Nguyệt cũng cho rằng hiện nay việc thực hiện cơ chế tự chủ tại địa phương còn chậm hơn tuyến trên. Từ đây, theo đại biểu Hưng Yên, Trung ương phải có chính sách đồng bộ, thích hợp để chuyển dịch tự chủ thực chất. Đẩy nhanh lộ trình tính đúng tính đủ, ban hành thẩm quyền để bệnh viện có điều kiện tính sát với dịch vụ y tế.

Nền kinh tế tiền mặt dẫn đến thất thu thuế thu nhập cá nhân

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho biết tỉ trọng thuế thu nhập cá nhân trong thập kỷ qua đã tăng ấn tượng. Năm 2018 thu được hơn 94.000 tỉ đồng, chiếm hơn 6% tổng thu ngân sách. Nhưng con số này vẫn chưa đạt mức dự toán đề ra. 

“Vậy nguyên nhân là do thất thu hay dự toán quá cao?”, bà Thơ đặt câu hỏi  và bình luận: "Cơ quan thuế chưa kiểm soát được mọi nguồn thu nhập của cá nhân, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh cá thể và người làm nghề tự do". 

"Quản lý thuế khó là vì chúng ta đang duy trì nền kinh tế tiền mặt. Nếu không có giải pháp chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt thì vẫn rất khó kiểm soát được các khoản thu nhập cá nhân, dẫn đến thất thu thuế", đại biểu Hà Tĩnh nói.

“Sinh viên học ĐH xong giấu bằng để... làm công nhân”

Là người đầu tiên phát biểu trong chương trình thảo luận chiều 30-5, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng năng suất lao động VN còn thấp, việc đào tạo chưa sát thị trường. Nguyên do là cơ cấu đào tạo giữa học và làm đang mất cân đối, cử nhân tốt nghiệp ĐH lại giấu bằng cấp để đi làm công nhân vì không xin được việc. 

Bà Thanh đề nghị kiểm soát chặt chẽ chất lượng đại học, có chính sách đào tạo nhân lực gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề phải gắn với việc làm. Bà Thanh cũng nêu thực tế hiện nay giáo dục ĐB Sông Cửu Long đã tụt hậu 5 năm so với cả nước, là "vùng trũng" của giáo dục. 

Bởi vậy thời gian tới cần đặc biệt quan tâm để tạo điều kiện đưa trẻ đến trường, giảm thiểu tình trạng bỏ học, có chính sách đầu tư hợp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là cần có chính sách thu hút riêng để nâng cao chế độ cho giáo viên, người làm công tác giáo dục.


 

LÊ KIÊN - T.B.DŨNG

tuoitre.vn

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây